Tạm để đây, để có thể nghe đọc:
1/ Tóm tắt:
Tóm tắt truyện ngắn Cải ơi/"Ngã ba Sương":
- Nhân vật chính là ông già Năm Nhỏ, đang đi tìm con gái tên Cải đã bỏ nhà đi lưu lạc từ nhiều năm trước.
- Ông gia nhập đoàn ca múa, đi khắp nơi trình diễn và thông báo tìm con gái mình qua loa phóng thanh.
- Tại ngã ba Sương, ông gặp và thương thằng hát rong Quách Phú Thành. Hai người trở thành bạn đồng hành.
- Một lần say, Thành giới thiệu với ông cô bạn gái tên Diễm Thương. Cô gái này giả vờ là con gái Cải để lừa tiền ông.
- Dù biết bị lừa nhưng ông vẫn thương Diễm Thương và muốn đưa cô về làm con dâu. Thành cũng yêu Diễm Thương thật lòng.
- Ông tìm mọi cách để lên Tivi tìm con, hy vọng cô con gái thất lạc sẽ nhận ra và trở về. Cuối cùng ông phải trộm trâu để bị bắt lên ti vi.
- Dù không tìm được con nhưng tình cảm của ông dành cho con vẫn tha thiết và sâu đậm
- --
Truyện 1. CẢI ƠI!
Nguyễn Ngọc Tư
Đoàn ca múa nhạc giải tán, thằng Quách Phú Thàn dẫn ông già Năm Nhỏ
về ngã ba Sương, Thàn có nhỏ bồ mới quen bán quán ở đó. Con nhỏ tên Diễm
Thương, nghe hay, mà khuôn mặt cũng ngộ, không đẹp nhưng bình thản, lạnh trơ,
không ra vui, buồn, đố ai biết nó nghĩ gì. Nó hất mái tóc nhuộm vàng hoe chơm
chởm như rễ tre, nhìn hai người, cười héo hắt, “Ăn bám mà kéo theo cả bầy”.
Thàn cười hề hề, bảo “Ông Năm, bạn anh. Dễ thương lắm”.
Đêm đó ông già không ngủ được, thằng Thàn đi chơi nửa đêm mới mò về,
thấy ông ngồi khọm rọm ngồi ngoài vách mùng, điếu thuốc cháy lập lòe soi bộ râu
xơ xác. Thàn mở dây giày, hỏi, “Nhớ đoàn quá, ngủ không được hả tía?”. Ông già
lắc đầu, thở dài, nghe buồn xa xắc như lá rụng hoa rơi, bần thần, điệu này hỏng
biết cách nào tìm cho ra con Cải.
Ông đã đi tìm con nhỏ gần mười hai năm. Lúc Cải mười ba tuổi, một
bữa mê chơi làm mất đôi trâu, sợ đòn, nó trốn nhà. Cả nhà tong tả đi tìm nhưng
mãi con nhỏ không quay lại. Vợ ông ôm cái áo con Cải khóc, bảo chắc là ông để bụng
chuyện nó là con của chồng trước nên ngược đãi, hà khắc, đuổi xua. Ông đau mà
không nói được một lời, ông đã nâng niu nó khi mới thôi nôi, đã vui khi có người
bảo con nhỏ giống ông in hệt (dù biết họ khen khơi khơi, khen bổng trên trời),
đã sướng rơn khi nó gọi tiếng ba ơi, con Cải đi rồi, ông đã xuống nước mắt khi
đi qua chiếc giường trước kia nó ngủ. Có bữa, ông hì hụi ém mùng, rồi ngồi một
góc, nhìn chiếu gối thênh thang, lòng chết điếng vì nỗi nhớ con, vì lo nó lưu lạc
giữa đời. Như thế mà ông không thương nó sao? Như thế mà là không thương à? Nhà
buồn u buồn ám, vì đã ít người rồi bây giờ lại chẳng nhìn,
chẳng cười nói với nhau. Sau, người ta còn đồn đãi ông giết con nhỏ
rồi lấp ở một chỗ đất nào, họ kìn kìn lại coi (ai mà giàu tưởng tượng vậy không
biết). Ông khăn gói bỏ xứ ra đi, bụng dạ đinh ninh dứt khoát tìm được con Cải về.
Ai dè, biển người mênh mông. Mỏi chân, ông xin làm sai vặt trong
đoàn ca múa nhạc, để trước giờ diễn, ông mượn cái micro nói vài câu “Cải ơi, ba
là Năm Nhỏ nè con…”. Bữa nào thằng Thàn nhớ nhà, nghe câu ấy nó cũng rướm nước
mắt, bảo “con thương ông già con quá, tía ơi”. Hôm đi ba Thàn còn cầm khúc bình
bát bằng cổ tay rượt nó chạy ngời ngời, nhảy xuống đò, nó ngoái lại nói để con
làm ca sỹ nổi tiếng cho ba coi, thấy ông dứ cây lên trời. Hai năm, ông già đã
chỏng đầu cây xuống đất, tựa vào đó để bước đi, tên tuổi Thàn mờ mịt. Thàn bùi
ngùi, người ta Quách Phú Thành nổi tiếng Hồng Kông, tui thiếu có chữ h, lẹt đẹt
bên hông Chợ Lớn. Nhiều bữa hát ế ngoi ngóp nằm nghe mưa dầm, nhiều bữa đứng
soát vé bị bọn du đảng địa phương rượt chạy xịt khói, Thàn muốn về nhà nhưng xấu
hổ, sợ ông già cười khơ khơ khơ, hỏi “Con ơi, mầy nổi tiếng chưa mà trồi đầu về
đây rồi?”
Y hệt, ông già Năm Nhỏ cũng có nhà mà không về được. Đã đau quá trời
đất rồi, cái cảnh bà con hàng xóm xầm xì, chỉ trỏ, người ở xa dập dìu thuê đò dọc
lại nhà ngó ngiêng, đâu, thằng cha giết con đâu? Đâu, con nhỏ bị chôn chỗ nào? Ở
gần thấy đông đúc nên bưng bánh dừa, trà đá đến bán. Đã quá chừng đau, khi ông
nhìn sâu trong ánh mắt của vợ mình thấy không còn lấp lánh thương yêu, chỉ tối
tăm những ngờ vực, hoài nghi, và bữa ông đi, bà đứng giữa nắng trưa, cuốc đất.
Chỗ đất còn mới tinh ông vừa lên liếp, chỗ người thiên hạ ngó nhau, con Cải bị
vùi dưới đó… biết đâu…
Nên ông Năm Nhỏ trụ lại ngã ba Sương, tiếp tục cuộc kiếm tìm. Ông
mướn một cái nhà thấp, nhỏ như ổ mối, vừa đủ hai người còm nhom chui ra chui
vào. Ông vét túi trên túi dưới sắm một chiếc xe kẹo kéo có dàn nhạc xập xình,
kéo thằng Thàn theo. Ngày chạy ra bán ở chợ rau chợ cá, tối ghé vài quán nhậu,
khuya về đậu ở ngã ba, xe kẹo kéo của ông nổi tiếng nhờ giọng ca nhừa nhựa của
thằng Thàn, nhờ giữa hai bài hát có mục “nhắn tìm con” buồn ác chiến.
Ngã ba Sương nhiều đêm thổn thức trong tiếng “Cải ơi!!!…”, nghe ngắc
ngoải như tiếng chim kêu giữa lưng trời. Con Diễm Thương cằn nhằn, quán ế, buồn
thấy mẹ rồi mà còn kêu Cải vơi vơi. Một bữa Diễm Thương bước ra, thảng thốt gọi
“Ba!”. Ông già đứng im sững, ngơ ngác giây lát, môi run lập bập hỏi Cải phải
hôn con. Diễm Thương gật đầu. Thiệt con là Cải hả? Diễm Thương níu tay ông rưng
rưng gọi thêm một tiếng ba tha thiết. Ông già nắn đầu, nắn vai nó với một nỗi
vui chảy tràn, trời đất, ba nhìn không ra, bây lớn dữ dằn vầy. Ông đi vài bước,
ông day lại nhìn Diễm Thương (cho chắc là nó đang đứng đây, và có thiệt trên đời),
ngước về phía trời sao, rồi ngó thằng Thàn, ông cười, để miệng muốn méo sao thì
méo, “Tía kiếm có con Cải rồi, dễ ợt hà mầy ơi”. Nghe giọng là cuộc hành trình
ròng rãi mười hai năm của ông (và những oan khuất, buồn đau) khép lại ở đây rồi.
Ngày mai ông dẫn Diễm Thương về Cỏ Cháy, ngay trên chuyến tàu đầu. Chắc vợ ông
ra cửa che tay khum khum trên trán, hỏi ai vậy cà, ông sẽ nói con Cải chớ ai, bà
sẽ mừng hết lớn, phải còn trẻ thể nào bà cũng nhảy cà tưng. Ông sẽ đưa nó đi
dài xóm, khoe “Con Cải tui về đây nè, bà con coi, nó lớn quá chừng hen”, vẻ mặt
không giấu được hả hê (vậy mà mấy người nói tui giết nó).
Nghĩ đến đó, nước mắt ông tuôn dài. Diễm Thương cười, đứng dậy
khoan khoái phủi tay, nói “Không ngờ mình diễn quá hay”, rồi nó khom người,
nhìn sâu vô đôi mắt ràn rụa của ông già, mặt tỉnh bơ ba khía, mỉa mai, “tui giởn
đó, ông làm ba kiểu gì mà không nhớ mặt con gái mình?”.
Và cơn mơ hết. Diễm Thương đi gom tiền thắng độ, đám tiếp viên léo
nhéo nhằn ông già sao mà dễ tin, làm họ mất mấy chục ngàn. Diễm Thương lạnh lẽo
cười, cái mặt nó tỉnh hết biết, kiếm tiền dễ ợt mà chẳng gợn lên chút đắc ý
nào. Ông Năm bẽ bàng ngồi đó, bẽ bàng lau nước mắt, cười héo queo héo quắt,
“Con nhỏ giỡn có duyên hết hồn” mà trên khuôn mặt vẫn còn đầy ứ những thương
yêu. Thằng Thàn ứa lòng nhìn ông Năm già đi khủng khiếp nó giận muốn bóp cổ nhận
nước Diễm Thương cho rồi, khi con nhỏ nhơn nhơn trở qua, giơ nắm tiền, rủ đi ăn
hủ tiếu.
Trò diễn kết thúc, ông già nằm rũ, đúng hai ngày lời nhắn tìm con
Cải lại thắc thỏm ở ngã ba Sương. Con Diễm Thương bực lắm, nó gặp Thàn là đá ghế
quăng ly, nó nói “ổng đừng mắc công tìm, con Cải chắc chết ngắc rồi. Sao tui
thù con nhỏ đó quá trời, có nhà mà bỏ, có cha có mẹ mà không thèm… Cái thứ người
đó, cho nó chết bờ chết bụi cũng đáng”. Rồi nó nghẹn ngào, “Còn tui, người ta
đã quăng ở đây mười tám năm, tui chờ hoài mà có ai tìm đâu…” Thàn mới hay đời
con nhỏ cũng buồn, hai đứa ngồi sát lại gần nhau, thở dài nghe cả vành tai tê
tái.
Tối đó, Thàn nằm gác tay lên trán, nói “Mai mốt con dẫn nhỏ Diễm
Thương về lạy ông già con à, tía Năm. Tính thương chơi thôi nhưng bây giờ thành
thiệt rồi”. Ông Năm phấn khởi, vậy hả, vậy à, phải làm đám cưới tử tế cho con nhỏ
đỡ tủi, để tao làm ba nó, đại diện cho đàng gái làm sui chơi.
Lựng khựng rồi mùa nắng quay trở lại, người ta dọn sạch cả một bờ
sậy, bông đang vào mùa bạc ở ngã ba Sương, cất thêm chừng chục quán nhậu ôm nữa.
Cánh phòng chống tệ nạn xã hội bắt đầu để ý cái chòm lu bu này. Phía báo đài
cũng dòm ngó. Một bữa, họ ập vào, quay phim, chụp hình búa la xua. Đám tiếp
viên che mặt, ôm đầu, chỉ có Diễm Thương là điềm nhiên trơ mắt ngó.
Phóng sự phát lên ti vi, cái nhìn đó như dấu hỏi nao lòng, tôi đây
nè mà ba má ở đâu? Có nhận ra tôi không? Có nghe đau lòng? Thằng Thàn thấy cảnh
người yêu tỉnh bơ ngồi trên đùi ông khách, buồn quá, bỏ đi uống rượu. Sáng sau,
ông Năm dúi vô tay Thàn ít tiền biểu “đưa con nhỏ về nhà”. Thằng Thàn nói:
- Con không đành để tía ở lại một
mình.
- Vậy bây nỡ nhìn con nhỏ sống
vầy hoài sao?
Một sớm, hai đứa dắt nhau đi, ông già nhìn theo cho đến khi bóng
chúng chìm giữa mịt mù. Lòng ông đã chuẩn bị rồi một cái vẫy tay, tiễn hai đứa
ra khỏi những con đường sương gió. Nhưng mờ chiều, đám trẻ trở lại, mặt con Diễm
Thương vẫn thản nhiên nhưng thằng Thàn buồn tê tái. Cả nhà Thàn hết hồn vía dồn
lại ngó nhau, nhận ra đứa con gái nầy lên ti vi hôm trước, coi bộ làm nghề hỏng
được đàng hoàng, coi bộ thằng Thàn bị nhỏ này dụ dỗ. Diễm Thương chỉ cười, gật
đầu chào rồi bước xuống bến đón tàu ra thị xã.
Lại về ngã ba Sương, chỗ của những người không còn đường trở lại
nhà. Diễm Thương nói tui mắc cười quá ông Năm à, tui lên ti vi để cha mẹ nhìn
mà họ không biết tui là ai, còn người dưng liếc ngang là nhớ liền.
Ông già Năm Nhỏ lặng người đi, tự hỏi, bây giờ ông lên ti vi, con
Cải có nhận ra mình không. Người đã dắt Cải đi hái xoài chín trong vườn hoang,
đã chặt chuối làm bè dạy cho nó lội, thả trâu, chơi diều… Đã cõng nó đi tắt mấy
vạt đồng đến chỗ ông bác sỹ già, mỗi khi nó nhức đầu, sổ mũi. Cây kẹp nhỏ, mớ
dây thun khoanh, mấy cục kẹo dừa vung vinh trong túi áo mỗi khi ông đi chợ về…
Tất cả những thứ đó, ông nhớ mồn một thì nhỏ Cải chắc chưa quên. Ông già muốn
lên ti vi để nhắn đứa trẻ bỏ nhà rằng, về đi con ơi, đôi trâu có xá gì…
Đăng tin trên truyền hình đắt đỏ, mà lần nào lại phòng quãng cáo
ông cũng phải đôi co, đòi phải đọc theo ý mình, trong đó có đoạn, “con không về
ba nhớ đã đành, má con còn giận ba, không nhìn mặt”. Người ta cười, trên đài chứ
có phải chợ trời đâu mà muốn nói gì cũng được. Ông giận, quày quả về nhà, nghĩ
cách tự mình lên ti vi. Có lần, ông đậu xe kẹo đầu chợ, thấy người ta làm phim
vụ lấn chiếm lòng lề đường, người hốt thúng mủng cá rau bỏ chạy, ông sướng rơn
lăng xăng chạy tọt chỗ này ló mặt đằng kia, mấp máy câu “Cải ơi…” (mà vô phim
người ta đã xóa mất tiếng còn đâu). Chỉ mong được thấy mình trên ti vi, một
khuôn mặt teo héo xạm đen dưới những sợi tóc ngã màu trắng xóa, một thân hình gầy
guộc, lưng đã chớm còng.. “Mình thèm lên ti vi muốn chết giấc mà không được,
còn mấy ông cán bộ ngồi chình ình trong đó hoài, thấy mắc ngán, ông già Năm Nhỏ
than thở với thằng Thàn, nói sao tao muốn làm bí thơ tỉnh quá”. Thàn kêu, trời
ơi, chi vậy tía. Ông cười, lên ti vi chớ chi, lúc đó tao đường hoàng nói chuyện
với con Cải, tao nói từ từ, nhắc chuyện xưa cho nó nghe. Thằng Thàn cũng cười,
tưởng tía làm lớn để lo cho dân, ai dè cũng bo bo cho mình.
Họ ngồi đụt mưa dưới một hàng ba trường tiểu học. Nước đổ trắng trời.
Mùa còn ướt lạnh dài dài. Thằng Thàn lo ở nhà mưa dột ướt đầu giường, về không
có gối để nằm, không mền để đắp. Diễm Thương biết có chạy qua không hay là bận
khách, bận cười cợt (mà lòng não nề) biểu uống với em chút nữa đi anh. Thàn
chép miệng, buồn quá tía ơi. Mê văn nghệ văn gừng nên chừng này tuổi đầu rồi mà
nghèo quá chừng, đến nỗi không lo được cho nhỏ Thương. Ông già Năm Nhỏ thấy thằng
Thàn xuống nước mắt. Ừ tối nay, ông cũng thấy mình hoang mang buồn bã rã rời,
như sắp đến cuối đường rồi, mà không biết chắc có nhà mình phía đó. Ông thở dài
ứ hự, chống tay liêu xiêu đứng lên, bảo, mưa chắc còn dài, thôi dầm mình về, nhỏ.
Đêm đó, thằng Thàn ôm ông già Năm ngu, nó kêu lên, tía ốm dữ dằn
thiệt, xương tía cấn con đau quá chừng. Ông già cười, ờ, chê mai mốt không có
mà ôm nghen con. Thằng Thàn hỏi ông nói vậy là có ý gì, ông hỏi ngược lại, chớ
bộ mầy tính cưới vợ rồi mà còn chun qua ngủ với tao? Thàn cười, ờ há ờ hen. Mắc
cười, ông còn rù rì tính chuyện nấu mâm cơm cúng trời đất để xáp nhập nhỏ Diễm
Thương về nhà bên này, sắm cái tủ thuốc lá nhỏ để cho nó buôn bán vặt thì thằng
Thàn đã ngáy o o. Nửa đêm, Thàn giật mình tỉnh giấc, không thấy ông già, nó ngật
ngừ ngồi dậy, trên bụng rớt xuống một gói tiền. Xe kẹo kéo vẫn còn nguyên, Thàn
kéo cửa bước ra ngoài. Ngã ba Sương đã tắt đèn, những con đường hun hút mù mịt
dưới mưa, như không cần biết đến từ đâu, chỉ biết gặp ở đây, phút này. Thằng
Thàn làu bàu, hỏng biết ông già chừng này mà đi đâu vậy cà.
Ông Năm đi ăn trộm chớ đâu. Ông lội bộ gần năm cây số trong mưa sụt
sùi vô trong xóm, ghé chỗ lò mổ, dắt đôi trâu đem đi. Ông
làm gọn gàng như với đôi trâu ở nhà. Sáng ra ông trở lại, ghé đúng
ngôi nhà có hàng so đũa cặp mé lộ, ông thấy một đám người đang tao tác đứng ngồi,
ông hỏi, mua trâu hôn, tui kẹt tiền đem bán đây nè. Chủ nhà chạy ra la lên, trời
ơi, bắt ổng lại, ổng ăn trộm của tôi. Ông Năm giả đò hết hồn, nhưng trong bụng
thấy trúng ý, bảo, từ từ, tui có chạy đâu mà sợ. Người ta đưa ông lên ấp, ấp giải
lên xã, ông luôn miệng nhắc, mấy chú nhớ kêu đài truyền hình xuống nghen, phải
quay tui để dân người ta cảnh giác. May, đài tỉnh xuống thật, phóng viên một tờ
báo cũng chạy theo, dọc đường hăm hở rút sẵn tít “Đạo tặc đãng trí” (thì ai
cũng tưởng vậy). Cái cách đời nhảy xổ vào lỗi lầm của người khác thiệt là tưng
bừng. Họ phỏng vấn ông chủ lò mổ, phỏng vấn trưởng công an xã, cuối cùng, ông
Năm xin được nói đôi lời, còn dặn, mấy chú làm ơn đừng cắt bỏ tiếng tui, rằng
“Cải ơi, ba là Năm Nhỏ nè, nhà mình ở Cỏ Cháy đó, nhớ không? Về nhà đi con, tội
má con vò võ có một mình. Con là trọng, chứ đôi trâu cộ nhằm nhò gì… Về nghen
con, ơi Cải…”.
Nghe đâu, hôm đó, nhiều người rơi nước mắt, vì vậy mà vụ trộm trâu
không được lên ti vi, sống giữa cái rẻo đất nhân hậu này nhiều khi cũng hơi phiền.
Nghe đâu, hôm đó đài truyền hình có đưa tin nhưng chỉ thấy ông già
nhép miệng một cách tuyệt vọng. Như đã nói, nhà đài người ta chớ có phải chợ trời
đâu, mà có thể thoải mái gọi, “Cải ơi!”…